Tính cách và số phận
Sau khi sinh đứa con gái đầu lòng được đôi ba năm, trong gia đình tôi bắt đầu nổi lên âm ỉ một cuộc chiến tranh lúc nóng lúc lạnh, quanh vấn đề tôi sẽ sinh đứa con thứ hai. Cuộc chiến kéo dài sáu bảy năm và kết thúc bằng một tờ đơn li hôn ký sẵn. Tôi đề vào đơn lý do chủ động li hôn: Tôi mắc bệnh lãnh cảm!
Bố chồng tôi mồ côi từ nhỏ. Ông thực sự là người con trai duy nhất còn sống của ông nội chồng. Chồng tôi cũng không có anh em trai, giờ đến thế hệ con cái chúng tôi. Ba đời độc đinh không thể nào đến chúng tôi lại chỉ đẻ một đứa con gái. Tôi không chỉ là dâu trưởng, tôi còn cần thiết phải là một người con dâu trưởng sinh bằng được một đứa con trai.
Có rất nhiều thứ trong cuộc sống gia đình mà khi kết hôn, chúng ta sẽ không bao giờ hình dung ra nổi. Ví dụ như, sau vài năm chung sống, tôi trở thành một con người khác. Tôi khao khát được học, được đọc sách, đọc từ sáng tới tối ở bất kỳ xó xỉnh nào của thư viện. Tôi vô cùng ao ước được sử dụng thời gian làm những gì mình thích, chứ không phải làm những gì người khác thích. Tôi không hề nghĩ rằng con trai khác gì con gái, vì với tôi, chúng đều là con người, là con của tôi, và tôi nghĩ mình chỉ đủ tình yêu để yêu một đứa con gái đầu lòng mà thôi! Tôi chỉ đủ sức kiếm tiền để nuôi một đứa con mà thôi.
Nên tôi lẩn tránh trước mọi lời bóng gió hay lộ liễu của mọi người chung quanh. Cuộc trốn tránh đó thật khó khăn.
Nhưng tôi thực sự khao khát được sống cuộc sống mà tôi muốn. Tôi nghĩ rằng đứa con gái là tất cả những gì tôi mong đợi từ cuộc đời này rồi. Vì thế, tôi thỏa thuận với chồng: Li hôn để anh lấy vợ khác mà đẻ con trai. Hoặc, anh cứ chọn phương án nào vừa lòng bố mẹ và vừa lòng anh. Còn em, em không đẻ nữa. Thậm chí, em đi khỏi nhà, anh cứ chung sống với ai đó anh thấy phù hợp, em sẽ gửi tiền để nuôi cả con em và con anh. Đó là lựa chọn rất văn minh và phù hợp với em.
Chồng tôi vẫn chọn tôi. Chồng tôi nghĩ sợ đẻ là triệu chứng của mọi bà mẹ “gái một con”, và tôi chỉ là một người đang bốc đồng. Chồng tôi cũng không phải là người trọng nam khinh nữ. Nhưng còn bố mẹ chồng sau thời gian dài nghi ngờ và trách móc bóng gió, đã đành phải thỏa hiệp một bước: Con cứ đẻ một đứa nữa đi, con gái hay con trai cũng được! Bố mẹ sẽ nuôi cả hai đứa trẻ con, để con có thể tự do bay nhảy, đi đâu cũng được, làm gì cũng được!
Chắc trên đời này không còn ai dễ như bố mẹ chồng tôi khi ấy nữa. Nên khi thấy suốt một năm trời không có “tiến triển” gì, một hôm mẹ chồng tôi gọi tôi ra, cay đắng nói:
– Con nghĩ xem, có người mẹ chồng nào như mẹ, phải bắt con dâu ngủ với con trai mà không được không? Ngủ với chồng là nghĩa vụ của người làm vợ, sinh con đẻ cái là trách nhiệm của người làm dâu! Còn nếu con không làm hai việc đó, thì con lấy chồng làm gì?
Nhưng giấy kết hôn không phải là pháp lệnh lên giường, cũng không phải là giấy phép sinh đẻ! Tôi nghĩ những thứ không nhìn thấy trong tim nó quan trọng hơn rất nhiều những thứ nhìn thấy bằng mắt ở bề ngoài. Mà, nếu nhìn bằng mắt, thì cả hai vợ chồng tôi đã cởi nhẫn cưới ra từ lâu lắm rồi!
Nên tôi chọn cách ra đi. Với lý do, tôi bị lãnh cảm, với chồng. Mọi điều trên đời này thay đổi đều là cả một quá trình rất dài, chỉ có điều, chúng ta chỉ nhận ra mỗi kết quả cuối cùng mà thôi, chứ ít ai nhìn thấy đó là cả một quá trình, một người phụ nữ lập gia đình đến lúc cô ấy ra đi khỏi cuộc hôn nhân ấy.
Tôi sẵn sàng làm một người phụ nữ độc lập. Dù tôi thấm thía cái giá phải trả, như mang tiếng ích kỷ, vô trách nhiệm, bất hiếu, gây thị phi mệt mỏi, nhìn quanh chỉ toàn người ghét, không mấy người hiểu. Nên tôi biết những người phụ nữ bị ép đẻ con trai bằng được, họ sống trong một cuộc sống như thế nào. Tôi chỉ may mắn hơn những người ấy một chút thôi, là tôi chấp nhận. Không phải tôi chấp nhận hoàn cảnh, mà là tôi chấp nhận bản thân mình, dù trong mắt xã hội thì tôi chỉ là một người khiếm khuyết đủ thứ, đến mức ngoài ông chồng tôi thì chẳng ai chấp nhận được tôi cả. (Ấy thế mà tôi lại còn bỏ ông ấy nữa chứ!)
Nhưng có một việc làm tôi cảm động suốt đời. Đó là bố chồng tôi đã về quê “đấu tranh” bằng cả lý lẽ lẫn tình cảm để đứa con gái đầu lòng của tôi được ghi tên vào gia phả dòng họ như một suất “đinh” (con trai) chính thức.
Bố chồng tôi nói, cháu nó chỉ đẻ có một con gái, thì chẳng lẽ dòng họ Nguyễn Trung đến đây là bỏ trống vĩnh viễn? Con gái có phải là người không? Nó vẫn là cháu nội của tôi! Phải ghi tên nó vào gia phả! Đây là nguyện vọng của cả gia đình chúng tôi! Nếu nó lớn lên nó thấy nó là con của gia đình, vẫn cúng giỗ ông bà, mà nó không được công nhận là con của dòng họ này, thì nó có tủi thân không?
Sau vài năm, và rất nhiều lần về quê, rốt cuộc bố chồng tôi đã chiến thắng! Lần đầu tiên dòng họ Nguyễn Trung có tên một đứa con gái vào gia phả, hàng năm vẫn đóng tiền để chi phí những lễ tết ma chay hiếu hỉ của dòng họ, như một suất đinh đàng hoàng! Chưa từng có tiền lệ ấy, chưa có dòng họ nào cho phép làm như thế.
Lúc ấy, tôi đã chọn một cuộc sống riêng khác. Nhưng sau một biến cố lớn trong đời sống, khi chỉ sau một đêm cả thế giới quay lưng lại với Trang Hạ, mọi con đường sống bị cắt đứt, bị chặn mọi nguồn thu nhập, không xuất cảnh được, bị đồng nghiệp phản bội, người quen quay lưng, tôi nhận ra, hóa ra trên đời này chỉ có mỗi gia đình chồng tôi mới là người tử tế nhất đã không bỏ rơi tôi trong cơn hoạn nạn. Tôi quay về, lẳng lặng chui vào giường ông chồng, làm cái việc mà đã lâu mình không hề làm.
Chúng tôi vẫn không đeo lại nhẫn cưới. Vì tôi vẫn nghĩ rằng, những thứ trong tim quan trọng hơn gấp nhiều lần những thứ nằm ở bên ngoài.
Hai đứa con trai tôi lần lượt ra đời trong hạnh phúc và bình yên của tôi. Những ngày cuối đời, bố chồng tôi bế đứa con trai tôi vừa sinh, ông vừa khóc vừa cười. Tôi nghĩ bố chồng tôi đã chết trong hạnh phúc. Không phải ông hạnh phúc vì có đứa cháu đích tôn nối dõi, mà vì ông thấy gia đình được hàn gắn, có phép màu đã xảy ra, cuộc sống này thực sự xứng đáng để được sống, dù nó cay đắng hay gập ghềnh.
Tôi nhớ bố chồng tôi biết bao.
Trang Hạ
2013
No comments:
Post a Comment