Monday, June 15, 2015

Thứ gì quý giá hơn cuộc sống?

Thứ gì quý giá hơn cuộc sống?

Tuần vừa rồi đọc được một bản tin trên báo, một tin ngắn về một vụ tự tử của nữ sinh sau khi cãi cọ với bạn trai ngay trên cầu Bến Thủy. Sau khi cãi cọ, nữ sinh dắt xe đạp bỏ lại trên cầu, nhảy xuống sông Lam chết ở tuổi mười chín.
Ngày nào trên báo cũng có tin người tự tử vì vỡ nợ, vì chồng đánh, vì bị hiếp dâm hoặc vì hiếp dâm người khác bị tóm. Có người tự tử nhầm, đáng lẽ định làm mình (làm mẩy) uống thuốc sâu và nhảy xuống ao chết thì hóa ra cuối cùng lại nhẫn tâm dìm chết người bạn cùng lớp. Ngày xưa học Lý luận Truyền thông, một môn rất nhức đầu vì toàn là tiếng Anh, tôi còn nhớ đã phải phân tích kỹ lưỡng hiện tượng cảnh giác và lãnh đạm của độc giả. Độc giả thường coi mọi tin “mặt trái” trên báo chí là thứ chẳng liên quan tới mình. Nếu báo đưa tin dịch tả, độc giả sẽ nghĩ nó xảy ra ở nơi khác, hoặc nếu ở phố ta ở, dịch tả sẽ chừa nhà ta ra! Nên độc giả thường hiếu kỳ và lãnh đạm với mọi tin xấu. Hiếu kỳ hả hê bởi cảm giác may quá, điều ấy chẳng xảy ra với ta, ta hạnh phúc hơn kẻ khác. Và lãnh đạm là bởi, ta sẽ không bao giờ gặp phải điều ấy, ta sẽ không bao giờ mắc bệnh, không bị tai nạn, không tự tử, chắc chắn!
Nên tôi thấy mình chính là một người trong đám đông độc giả lãnh cảm đã bị lý luận truyền thông khám phá, đi guốc vào trong bụng kia. Thế nhưng cái tin cô gái trẻ tự tử tuần trước thì lại ám ảnh không nguôi, vì bức ảnh minh họa ở hiện trường vụ tự tử:
ảnh: nguồn báo Pháp luật TPHCM
Một chiếc xe đạp cũ kỹ han rỉ, chả đáng mấy đồng tiền. Một cô gái đi một chiếc xe đạp như thế này, liệu đã từng được tận hưởng điều gì từ cuộc sống? Chắc là chưa. Bởi hẳn là cô không đủ tiền cho những chăm sóc bản thân tử tế một tí, ví dụ như, mua cho bản thân mình thứ gì đó xinh đẹp mà cô thầm muốn, đi đến nơi lãng mạn đẹp đẽ mà trong lòng thiếu nữ nào cũng từng ấp ủ, được sở hữu chút gì đó đáng giá và bí mật, có được một đôi guốc đẹp v.v… Dù có thể cô gái ấy đã từng lạc quan và hạnh phúc vì cô dành cho bản thân mình những giá trị thuần túy tinh thần, của tuổi trẻ. Ví dụ như sống hiền lành tin cậy, hoặc sống dại khờ cả tin, hoặc yêu như điên, hoặc tự ti một cách lương thiện… Hoặc chỉ cần một lời khen ngợi, tỏ tình của kẻ khác cũng có thể làm cô ấy mãn nguyện, hạnh phúc!
Ngược lại, nhìn từ góc độ khác, một cô gái trẻ có thể chưa kiếm ra nhiều tiền, đi một cái xe rách, đến với người bạn trai trên cầu, thì mang lại cho người khác điều gì, ngoài chính những giá trị tinh thần và rất… tượng trưng mà cô ấy vốn có, như tình yêu, niềm tin, hứa hẹn, giao tiếp và giới tính… Nên cô ấy trong tâm trí người con trai kia, là gì, có quan trọng đến đâu?
Không biết vì sao sự sống kết thúc ở đấy. Tuy nhiên cái xe đạp han rỉ cứ làm tôi ám ảnh mãi và thương xót không nguôi: Nếu em chưa thực sự tận hưởng cuộc sống, sao đã chết sớm? Hay chính vì cô gái ấy chưa từng có điều kiện để được tận hưởng cuộc sống thực sự là sống, nên cảm giác chật hẹp mọi mặt của cuộc sống trước mắt đã khiến cô gái ấy muốn chết?
Tôi nghĩ cô ấy đã đầu tư gì cho cuộc sống? Đầu tư vô số những điều dang dở mù quáng. Bởi cho dù người con trai đi trên cầu là ai, ngày hôm đó là một ngày như thế nào trong đời cô ấy, tất cả đều không phải là cớ để chết.
Không có một người con trai nào đáng để cô gái hủy hoại bản thân. Nhất là người con trai đã quay đi ngay từ trước đó. Cũng không có hạnh phúc nào được tìm thấy bởi cái chết, hay vấn đề nào có thể giải quyết được bằng cái chết. Bởi trên đời này, tất cả chúng ta chỉ cảm động vì những con người dũng cảm vượt lên số phận, vượt lên cái chết, không ai vỗ tay hoan hô kẻ đầu hàng. Thậm chí ngược lại, chúng ta đều xót thương cho cha mẹ những kẻ chết trẻ.
Thậm chí, không chỉ xót xa giùm cho nỗi đau của những ông bố bà mẹ có con tự tử, chết mất phần xác, tất cả những người có chút lương tâm đều cảm thấy nỗi ái ngại cho những ông bố bà mẹ có con tuy còn sống phần xác mà phần nhân cách và phẩm giá đã chết từ khi nào. Ví dụ như nghiện ngập, vào tù vì hiếp dâm, giết con người khác, phản bội lại xã hội bằng mọi cách…
Đó là lý do tôi ám ảnh bởi chiếc xe cũ, và rỉ, nó nói lên điều gì đó về cuộc sống non trẻ của cô gái ấy.
Biết bao nhiêu người chúng ta đã buông xuôi và thoái chí thời trẻ, chỉ bởi, không tin rằng tương lai sẽ dành cho chúng ta những điều tuyệt vời thế nào! Có bao nhiêu người đã vội vã lấy người con trai đầu tiên mình hò hẹn, chỉ bởi sợ sẽ ế, sợ không chịu nổi sức ép từ cuộc sống và lề thói tập quán. Để đến khi ván đã đóng thuyền, gặp người mình thực sự yêu, hoặc hối tiếc vì quyết định vội vã của chính bản thân, đã buộc phải trở thành người đàn bà ngoại tình hoặc người đàn bà li dị chồng?
Có bao nhiêu chàng trai cầm tấm bằng đại học, buộc cẳng vào một công sở buồn chán, chỉ bởi không tin rằng, nếu tiếp tục tìm kiếm và thử thách, tương lai sẽ cho bạn những gì xứng đáng hơn! Hoặc đơn giản hơn, chỉ vì đã lỡ ngủ với cô gái ấy, mà buộc phải cưới cô ấy làm vợ, bởi không dám tin rằng có những lựa chọn khác sẽ mang lại tương lai hạnh phúc hơn cho cả hai người!
Chúng ta khác gì cô gái mười chín tuổi, lên cầu, chết một mình. Chúng ta đều đã từng lựa chọn những thứ mà tưởng là tốt nhất ở thời điểm hiện tại, chỉ bởi chúng ta không còn niềm tin vào tương lai và chính bản thân.
Tháng trước, tham gia talk show của giáo sư Đặng Hùng Võ trên VTC, giáo sư hỏi tôi về những kẻ tự tử vì tình, vì bị bố mẹ ngăn cấm, vì lý do nào đó… Tôi trả lời rằng, tất cả những kẻ tự tử đều là những người không xứng đáng với hạnh phúc.
Bởi khi bố mẹ ngăn cấm tình yêu, hay khi bạn trai bạn gái đòi chia tay, hoặc gặp một va vấp nào đó đường đời, em lấy cái chết ra để giải quyết. Thế nếu không chết, thì sau đó, khi lấy được “người trong mộng”, còn vô số những khó khăn trên đường đời, như vỡ nợ, con sơ sinh bị chứng bệnh tai quái, vợ chồng ngoại tình, cãi nhau với họ hàng, thất nghiệp v.v… mỗi lần khó khăn sẽ đều lấy cái chết ra để giải quyết sao, khi mà mỗi người chỉ có một lần được sống? Bao giờ thì em thực sự giải quyết vấn đề bằng chính năng lực và quan điểm của em?
Nên cho dù gia đình bạn bè và cả xã hội làm điều gì đó để vừa lòng người trẻ, để người trẻ đừng tự tử, thì không có gì đảm bảo là người trẻ ấy sẽ hạnh phúc, nếu bản thân họ không thực sự thay đổi quan điểm và giá trị sống.
Thế nhưng, không hiểu sao, tôi cứ nghĩ rằng, giá như cho cô gái này sống một lần nữa, chắc chắn cô ấy sẽ khác. Đi làm để kiếm tiền đủ cho một cuộc sống xứng đáng được gọi là sống. Quen biết với những người đàn ông thực sự là đàn ông, họ không quay đi để mặc bạn một mình chết, họ cũng không làm gì để bạn nghĩ đến cái chết.
Cô ấy sẽ lên chiếc xe cũ, đạp về nhà, thấy rằng mình xứng đáng được sống, vì chính tương lai tươi đẹp mà mình xứng đáng được có!
Trang Ha

Mình ơi

Mình ơi

Ngày xưa tôi có quen một anh bạn rất thông minh, khéo léo, lãng mạn, có tài văn chương và khá… cực đoan. Một lần, anh ấy viết một truyện ngắn lấy tên là “Mình ơi!”.
Anh giải thích, đó là mong ước hạnh phúc của một người đàn ông sinh ra trong thế kỷ hai mươi, sống với những giá trị văn hóa của thế kỷ này, nhưng… sẽ lấy vợ là một người phụ nữ thế kỷ hai mốt! Và, cho dù cả xã hội sẽ gọi vợ là em, là nàng, là bà xã xệ nhà tôi, thì anh ấy chỉ muốn gọi vợ (trong tương lai) bằng cái cách quê mùa gần gũi nhưng ấm áp nhất, là “mình ơi!”.
Chúng tôi đã tranh luận rất lâu về cách người chồng gọi người vợ, nói lên rất nhiều về yêu thương và về chính người đàn ông – đàn bà đó trong mối quan hệ hôn nhân ấy. Tôi cho rằng, cách người chồng gọi vợ chỉ là một thứ quy ước, thuận miệng và theo thói quen gia đình. Ví dụ như, nếu bố mẹ chồng gọi nhau là anh – em, rất có khả năng đôi vợ chồng trẻ cũng xưng hô với nhau như thế. Hoặc cả một vùng miền Tây gọi vợ là “bà xã” thì mọi đàn ông đều gọi vợ như thế, không mang hàm ý gì.
Anh bạn tôi thì lại cho rằng, không như chúng ta tưởng, “vợ tôi” là cách gọi vợ lạnh lùng xã giao nhất khi đàn ông trò chuyện với người ngoài. “Cô ấy” là cách gọi mà người đàn ông đang nói chuyện với… cô bồ trẻ trung xinh đẹp. Còn “mình ơi, nhà tôi, bà xã nhà mình” là cách gọi chứa nhiều yêu thương nhất mà người đàn ông gọi vợ. Trong tên gọi ấy, luôn có một nửa “mình, tôi” của người đàn ông ở trong ấy, có gắn kết bản thân mình với người phụ nữ mình yêu.
Gọi vợ như thế, người đàn ông sẽ không bao giờ phản bội vợ!
Có điều, nếu người phụ nữ không  biết cách giữ lửa yêu thương, có thể một ngày nào đó, “mình ơi” sẽ trở thành “cô ấy”, đầy lạnh lùng trong câu chuyện của người đàn ông. Tất cả phụ thuộc ở những gì mà người đàn ông cảm nhận về vợ mình.
Có thể cô vợ mới đầy nũng nịu âu yếm, một cuộc sống mới bỡ ngỡ đầy mật ngọt khiến người chồng cảm thấy, có thể dùng những tên gọi tha thiết nhất cho vợ. “Em yêu ơi!” hoặc “vợ yêu ơi!”.
Và một ngày, một người đàn bà bụng xồ ra, tóc buộc quấy quá sau gáy, đi lại trong nhà trong bộ đồ cộc quăn tít, nhăn nhó khiến những vết nhăn trên gương mặt càng sâu thêm và già đi, sẽ khiến người chồng cảm thấy hình như có một người phụ nữ già nua xa lạ đã đến thế chỗ của người thiếu nữ thảnh thơi được yêu được cưới ngày xưa. Hình như, lúc ấy cảm nhận của người đàn ông về vợ mình đã thay đổi, chứ không phải chồng đã thay đổi, giờ chỉ gọi vợ là “bà”, một “bà vợ” đúng nghĩa thực dụng, đầu bù tóc rối, cũ kỹ.
Nếu người đàn ông sâu sắc, họ sẽ hiểu lý do, thứ mà thời gian lấy đi của người phụ nữ, chính là cái cách mà người phụ nữ làm cho gia đình hạnh phúc: Lo việc nhà, chăm con, phấn đấu sự nghiệp, quên thời gian dành cho chăm sóc vóc dáng, làn da. Có thể, họ sẽ thương vợ, thương xen chút ái ngại.
Nếu người chồng chỉ là một người đàn ông như vạn đàn ông khác trên đời, họ sẽ chỉ đơn giản nhận ra rằng:  Vợ đã già đi! Nhìn thấy điều ấy từ vóc dáng và làn da thiếu chăm sóc của vợ.
Chúng ta ít may mắn gặp được những người đàn ông sâu sắc, hiểu mỗi mất mát là một thứ quà tặng của đời sống. Chúng ta lại rất hay gặp đàn ông đòi hỏi vợ đã đảm đang lại còn phải gọn gàng duyên dáng. Bởi thế, nếu không biết tự làm mình vui, mình đẹp, có rất nhiều khả năng là người phụ nữ sẽ nhận lấy cảm giác trống trải trong cõi đàn bà của mình. Khi cái cách đàn bà chăm sóc tình yêu thương, hóa ra, đã không mang lại thứ yêu thương như của ngày đầu mà người vợ mong muốn.
Không biết yêu thương đã bay đi đâu mất, theo suốt những năm dài, khi phụ nữ chúng ta cắm mặt vào bếp núc gia đình con cái và quên không đôi lần mở lại album ảnh cũ, ngắm những bức ảnh thời mới cưới. Hay những bức ảnh thời mới yêu nhau. Từ khi nào, chúng ta đã tự cho phép chúng ta xuề xòa, luộm thuộm trước mặt nhau? Mà quên đi mất rằng, ngày xưa, khi mua một chiếc áo mới, khi thử một màu son mới, ta đã hạnh phúc thế nào khi áo vừa dáng, son hợp da và ta thấy bản thân mình đẹp lên?
Nên ta đã quên mất cảm giác được một lời khen “dáng chuẩn da xinh, cười làm bao anh rung rinh” của chồng từ rất lâu rồi. Và tự an ủi rằng, những lời khen xinh đẹp xã giao từ người ngoài đã là đủ cho sự tự tin của một người đàn bà, mà cứ về nhà là tất bật với việc nhà cho đến lúc tắt đèn đi ngủ.
Anh bạn ngày xưa đỗ thủ khoa vào Đại học Văn hóa, rồi lại tốt nghiệp thủ khoa. Nhưng dòng đời đã đẩy anh ấy tới một vùng nào đó xa lắc, biệt tăm, bạn bè cũ không ai gặp lại lần nào.
Tôi hy vọng, ở một phương trời nào đó, dù đang hạnh phúc hay đang vất vả, anh cũng không đổi thay, anh sẽ gọi người phụ nữ bên cạnh là “Mình ơi!”
Trang Hạ
2012

Tính cách và số phận

Tính cách và số phận

Sau khi sinh đứa con gái đầu lòng được đôi ba năm, trong gia đình tôi bắt đầu nổi lên âm ỉ một cuộc chiến tranh lúc nóng lúc lạnh, quanh vấn đề tôi sẽ sinh đứa con thứ hai. Cuộc chiến kéo dài sáu bảy năm và kết thúc bằng một tờ đơn li hôn ký sẵn. Tôi đề vào đơn lý do chủ động li hôn: Tôi mắc bệnh lãnh cảm!
Bố chồng tôi mồ côi từ nhỏ. Ông thực sự là người con trai duy nhất còn sống của ông nội chồng. Chồng tôi cũng không có anh em trai, giờ đến thế hệ con cái chúng tôi. Ba đời độc đinh không thể nào đến chúng tôi lại chỉ đẻ một đứa con gái. Tôi không chỉ là dâu trưởng, tôi còn cần thiết phải là một người con dâu trưởng sinh bằng được một đứa con trai.
Có rất nhiều thứ trong cuộc sống gia đình mà khi kết hôn, chúng ta sẽ không bao giờ hình dung ra nổi. Ví dụ như, sau vài năm chung sống, tôi trở thành một con người khác. Tôi khao khát được học, được đọc sách, đọc từ sáng tới tối ở bất kỳ xó xỉnh nào của thư viện. Tôi vô cùng ao ước được sử dụng thời gian làm những gì mình thích, chứ không phải làm những gì người khác thích. Tôi không hề nghĩ rằng con trai khác gì con gái, vì với tôi, chúng đều là con người, là con của tôi, và tôi nghĩ mình chỉ đủ tình yêu để yêu một đứa con gái đầu lòng mà thôi! Tôi chỉ đủ sức kiếm tiền để nuôi một đứa con mà thôi.
Nên tôi lẩn tránh trước mọi lời bóng gió hay lộ liễu của mọi người chung quanh. Cuộc trốn tránh đó thật khó khăn.
Nhưng tôi thực sự khao khát được sống cuộc sống mà tôi muốn. Tôi nghĩ rằng đứa con gái là tất cả những gì tôi mong đợi từ cuộc đời này rồi. Vì thế, tôi thỏa thuận với chồng: Li hôn để anh lấy vợ khác mà đẻ con trai. Hoặc, anh cứ chọn phương án nào vừa lòng bố mẹ và vừa lòng anh. Còn em, em không đẻ nữa. Thậm chí, em đi khỏi nhà, anh cứ chung sống với ai đó anh thấy phù hợp, em sẽ gửi tiền để nuôi cả con em và con anh. Đó là lựa chọn rất văn minh và phù hợp với em.
Chồng tôi vẫn chọn tôi. Chồng tôi nghĩ sợ đẻ là triệu chứng của mọi bà mẹ “gái một con”, và tôi chỉ là một người đang bốc đồng.  Chồng tôi cũng không phải là người trọng nam khinh nữ. Nhưng còn bố mẹ chồng sau thời gian dài nghi ngờ và trách móc bóng gió, đã đành phải thỏa hiệp một bước: Con cứ đẻ một đứa nữa đi, con gái hay con trai cũng được! Bố mẹ sẽ nuôi cả hai đứa trẻ con, để con có thể tự do bay nhảy, đi đâu cũng được, làm gì cũng được!
Chắc trên đời này không còn ai dễ như bố mẹ chồng tôi khi ấy nữa. Nên khi thấy suốt một năm trời không có “tiến triển” gì, một hôm mẹ chồng tôi gọi tôi ra, cay đắng nói:
– Con nghĩ xem, có người mẹ chồng nào như mẹ, phải bắt con dâu ngủ với con trai mà không được không? Ngủ với chồng là nghĩa vụ của người làm vợ, sinh con đẻ cái là trách nhiệm của người làm dâu! Còn nếu con không làm hai việc đó, thì con lấy chồng làm gì?
Nhưng giấy kết hôn không phải là pháp lệnh lên giường, cũng không phải là giấy phép sinh đẻ! Tôi nghĩ những thứ không nhìn thấy trong tim nó quan trọng hơn rất nhiều những thứ nhìn thấy bằng mắt ở bề ngoài. Mà, nếu nhìn bằng mắt, thì cả hai vợ chồng tôi đã cởi nhẫn cưới ra từ lâu lắm rồi!
Nên tôi chọn cách ra đi. Với lý do, tôi bị lãnh cảm, với chồng. Mọi điều trên đời này thay đổi đều là cả một quá trình rất dài, chỉ có điều, chúng ta chỉ nhận ra mỗi kết quả cuối cùng mà thôi, chứ ít ai nhìn thấy đó là cả một quá trình, một người phụ nữ lập gia đình đến lúc cô ấy ra đi khỏi cuộc hôn nhân ấy.
Tôi sẵn sàng làm một người phụ nữ độc lập. Dù tôi thấm thía cái giá phải trả, như mang tiếng ích kỷ, vô trách nhiệm, bất hiếu, gây thị phi mệt mỏi, nhìn quanh chỉ toàn người ghét, không mấy người hiểu. Nên tôi biết những người phụ nữ bị ép đẻ con trai bằng được, họ sống trong một cuộc sống như thế nào. Tôi chỉ may mắn hơn những người ấy một chút thôi, là tôi chấp nhận. Không phải tôi chấp nhận hoàn cảnh, mà là tôi chấp nhận bản thân mình, dù trong mắt xã hội thì tôi chỉ là một người khiếm khuyết đủ thứ, đến mức ngoài ông chồng tôi thì chẳng ai chấp nhận được tôi cả. (Ấy thế mà tôi lại còn bỏ ông ấy nữa chứ!)
Nhưng có một việc làm tôi cảm động suốt đời. Đó là bố chồng tôi đã về quê “đấu tranh” bằng cả lý lẽ lẫn tình cảm để đứa con gái đầu lòng của tôi được ghi tên vào gia phả dòng họ như một suất “đinh” (con trai) chính thức.
Bố chồng tôi nói, cháu nó chỉ đẻ có một con gái, thì chẳng lẽ dòng họ Nguyễn Trung đến đây là bỏ trống vĩnh viễn? Con gái có phải là người không? Nó vẫn là cháu nội của tôi! Phải ghi tên nó vào gia phả! Đây là nguyện vọng của cả gia đình chúng tôi! Nếu nó lớn lên nó thấy nó là con của gia đình, vẫn cúng giỗ ông bà, mà nó không được công nhận là con của dòng họ này, thì nó có tủi thân không?
Sau vài năm, và rất nhiều lần về quê, rốt cuộc bố chồng tôi đã chiến thắng! Lần đầu tiên dòng họ Nguyễn Trung có tên một đứa con gái vào gia phả, hàng năm vẫn đóng tiền để chi phí những lễ tết ma chay hiếu hỉ của dòng họ, như một suất đinh đàng hoàng! Chưa từng có tiền lệ ấy, chưa có dòng họ nào cho phép làm như thế.
Lúc ấy, tôi đã chọn một cuộc sống riêng khác. Nhưng sau một biến cố lớn trong đời sống, khi chỉ sau một đêm cả thế giới quay lưng lại với Trang Hạ, mọi con đường sống bị cắt đứt, bị chặn mọi nguồn thu nhập, không xuất cảnh được, bị đồng nghiệp phản bội, người quen quay lưng, tôi nhận ra, hóa ra trên đời này chỉ có mỗi gia đình chồng tôi mới là người tử tế nhất đã không bỏ rơi tôi trong cơn hoạn nạn. Tôi quay về, lẳng lặng chui vào giường ông chồng, làm cái việc mà đã lâu mình không hề làm.
Chúng tôi vẫn không đeo lại nhẫn cưới. Vì tôi vẫn nghĩ rằng, những thứ trong tim quan trọng hơn gấp nhiều lần những thứ nằm ở bên ngoài.
Hai đứa con trai tôi lần lượt ra đời trong hạnh phúc và bình yên của tôi. Những ngày cuối đời, bố chồng tôi bế đứa con trai tôi vừa sinh, ông vừa khóc vừa cười. Tôi nghĩ bố chồng tôi đã chết trong hạnh phúc. Không phải ông hạnh phúc vì có đứa cháu đích tôn nối dõi, mà vì ông thấy gia đình được hàn gắn, có phép màu đã xảy ra, cuộc sống này thực sự xứng đáng để được sống, dù nó cay đắng hay gập ghềnh.
Tôi nhớ bố chồng tôi biết bao.
Trang Hạ
2013

Em nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?

Em nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?

1. Thỉnh thoảng trên facebook lại có người gửi thư hỏi tôi nghĩ sao về chuyện của họ?
Vì họ mới thất tình, họ mãi vẫn còn ế, họ đã là nữ sinh viên năm đầu lại yêu một anh vị thành niên mới học lớp 9, họ được cầu hôn bởi anh quá tuổi hưu, họ không biết nên mất trinh vào ngày nào là đẹp trời nhất, họ nghĩ viết văn là một loại bàn đèn thuốc phiện mà họ cần tí sái, họ phải lòng một người không nên phải lòng…
Với những chuyện tôi thấy nghiêm trọng, tôi sẽ trả lời nghiêm túc. Với những người hỏi tầm phào, tôi im lặng. Với những người bất bình thường, tôi cũng dùng cách bất bình thường để trả lời họ.
Kiểu như có một cô hỏi tôi thế này, chị ơi, từ năm 18 tuổi em đã làm gái bao cho bạn của bố em, giờ em 23 tuổi, em thấy ông ấy già quá, em bèn đi yêu một anh trai tơ bằng tuổi. Khổ nỗi cái thằng trai tơ nó đã không chịu lòi tiền ra cho em, nó lại còn đánh em nữa. Nhưng nó lại trẻ. Thế chị bảo em bây giờ nên làm gì, đi với thằng già hay thằng trẻ? Chị hãy trả lời em ngay, nhanh lên chị nhé, trước khi thằng già phát hiện ra sự thật, nếu không, thì em chỉ còn cách… chọn thằng trẻ!
Theo bạn, người hỏi câu hỏi như thế thì sẽ được tôi xếp vào loại nào: nghiêm trọng – tầm phào – hay bất bình thường?
Có một nỗi sợ của mọi chúng ta: Sợ Thiệt! Kiểu như cô gái tôi kể ở trên, giữ tình già thì sợ thiệt mất tay trẻ trai, mà giữ tay trẻ trai thì sợ thiệt tình già kèm theo tiền già. Giữ trinh thì sợ thiệt vui thú, mất trinh thì sợ thiệt danh tiếng, nghèo thì sợ bị thiệt thể diện, một tuần liền không báng bổ được ai thì sợ bị ném đá trí tuệ, ngồi đọc sách sợ mất ngày vui, mua váy cho bồ nhất định phải giữ hóa đơn, tặng con chiếc xe ba bánh thì phải thêm vài câu cảnh cáo bắt hứa ngoan ngoãn, muốn yêu nhưng ngại người nhà quê, trước khi đi làm phải liếc bằng hết xem facebook có cái gì mới sợ bỏ sót mất đám nào xôm tụ v.v…
Cái gì cũng muốn được, muốn nhiều hơn, nó đã là bản năng của con người rồi. Nhưng bản năng có thể được điều chỉnh bởi đời sống văn minh và trí huệ của một con người. Trí huệ chứ không phải là trí tuệ! Bởi trí tuệ có thể dễ nhận ra nhất là ở những kẻ kiêu căng về bản thân và những kẻ giỏi giang xuất chúng. Còn trí huệ lại thường biến ta thành người uyển chuyển khiêm tốn tự tại và có nội lực.
Ví dụ đơn giản, những kẻ báng bổ luôn nhấn mạnh rằng, ai cũng có bóng tối sau lưng, ai cũng có sự xấu xa và thua kém của họ. Mọi thần tượng đều có mặt trái đầy bẩn thỉu. Còn những người thực sự tử tế thì lại nói rằng, bạn đang luôn hướng mặt về phía ánh sáng đó thôi, đừng bận tâm về những thị phi từ bóng tối sau lưng. Điều quan trọng nhất là ta luôn quay mặt về phía ánh sáng tới. Và những thần tượng trở thành thần tượng vì họ đã làm được rất nhiều điều có ý nghĩa cho tôi và cho bạn, cho xã hội này, chứ không phải, họ trở thành thần tượng vì họ che giấu khiếm khuyết tài tới nỗi mọi phía của họ đều là ánh hào quang!
Nên, nếu nhìn về phía ánh sáng, cô gái có thể nhận được câu trả lời là: hạnh phúc phải tự bàn tay em làm ra, không phải do thằng đàn ông già hay thằng đàn ông trẻ mang lại. Danh dự, tiền bạc cũng thế. Để cắt đứt hẳn với quá khứ, em hãy coi như sáu năm qua, em đã phải sử dụng tới hai sextoy để thỏa mãn dục vọng của em. Còn bây giờ, có thể em không cần sextoy nữa, em cần thứ khác, một thứ gì đó mà những con sextoy không mang lại cho em được.
(Còn một câu cuối, tôi không muốn nói ra vì quá tàn nhẫn: Nếu em không làm được như thế, thì em đã và sẽ chính là sextoy của những người đàn ông ấy, không hơn gì!)
2. Cứ hình dung những nỗi thèm khát đời thường như năm ngón trên bàn tay bạn. Ngón cái là tham tiền, rồi lần lượt là tham tình, tham tài, tham danh, tham tục. Tham tiền thực ra chính là thèm khát động lực phát triển của đời sống này, có gì phải ngượng ngùng khi nói rằng chúng ta tham tiền, chỉ sợ chúng ta coi thường giá trị của đồng tiền, cứ nghĩ những gã nhà giàu là kẻ xấu xa. Nhưng khổ nỗi, có phải Alibaba tốt bụng đáng yêu rốt cuộc lại trở thành một kẻ giàu có? Đó là phần thưởng cho sự lương thiện chứ đâu phải là hình phạt cho chàng Alibaba láu lỉnh? Nếu giàu có là xấu xa, thì phải chăng những phần thưởng của cuộc đời này (không chỉ trong cổ tích) cho nỗ lực phấn đấu và làm việc của mỗi người chúng ta, đó là, biến thành một kẻ xấu xa? Mà nếu chẳng có tiền, thì bao nhiêu những cái tốt đẹp khác chẳng có cơ hội để bộc lộ ra. Như bàn tay không ngón cái, bốn ngón còn lại thật khó xoay xở.
Ngón cái là tham tiền, rồi lần lượt là tham tình, tham tài, tham danh, tham tục. – Ảnh: Thinkstock
Ngón trỏ là tham tình, ta cần tình yêu biết bao, sẵn sàng có thể vì tình yêu mà hy sinh rất nhiều điều khác, thậm chí hy sinh luôn cả… bố mẹ mình, bỏ ngoài tai lời can ngăn của bố mẹ và hai mươi năm nuôi nấng để đi theo một gã đàn ông chỉ biết nháy mắt và huýt sáo. Hoặc, bỏ cả vợ con để cưới một cô gái trẻ. Chẳng tham, thì nên gọi là gì?
Tham tài là ngón tay giữa, chỉ bởi tham tài tôi nghĩ là thứ tham lam đáng quý trên đời này. Không phải tài năng là thứ năng lực tột đỉnh của một con người có thể cống hiến sao, nhưng nhận ra được tài năng của kẻ khác và luyến tiếc trân quý nó mới chính là phẩm chất tuyệt vời nhất của một con người. Chúng ta gặp đâu cũng thấy kẻ dìm hàng và chém gió, những kẻ đố kị, những kẻ chỉ tìm cách bôi nhọ người nổi tiếng và người không nổi tiếng, chúng ta gặp nhiều hơn là những kẻ thờ ơ: Chị hát hay lắm nhưng tôi chỉ nghe chùa trên mạng rồi tôi cả đời không bỏ đồng nào ra mua đĩa cho chị! Chị viết văn hay lắm nhưng tôi chỉ đọc chùa trên mạng chứ cả đời cũng không bỏ đồng nào ra mua sách của chị! Anh là nghệ sĩ tôi rất hâm mộ nhưng đi qua tôi chỉ ngoái lại nhìn một cái như nhìn thấy một con khỉ đang xổng chuồng đi giữa phố. Chứ tiếc cả một câu chào, một nụ cười. Cho nên tôi nghĩ, để tham tài, người ta không chỉ cần có mắt xanh nhìn nhận trân trọng kẻ khác, còn phải bỏ ra nhiều hơn những gì có thể sẽ được nhận lại.
Tham danh là ngón áp út, tham danh cũng không tệ, nếu không phải vì nó, người ta sẵn sàng bóp méo nhân cách.
Tham tục là ngón út, vì tôi cho rằng đó là ngón tay kém cỏi xấu xí nhất. Thế mà có biết bao nhiêu thứ trần gian đổ vào ngón tay tham tục ấy!
Để rồi, khi nhìn xuống bàn tay, ta sẽ thấy thứ tham lam nào ta cũng có. Và số phận của chúng ta khác nhau, địa vị của chúng ta khác nhau trong đời chỉ vì lý do này thôi:
Ta coi trọng ngón tay nào nhất! Tôn chỉ sống của ta đã cho phép ta chấp nhận những giới hạn nào của thói xấu. Và, ta có thể biến ngón tay nào thành động lực sống tích cực của mình hay không.
Có người nghệ sĩ đạt được danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đã từ chối những vai diễn rẻ tiền và dễ dãi chỉ để giữ hình ảnh và danh hiệu của mình trong lòng công chúng, chẳng thà sống nghèo với một vai diễn duy nhất trong suốt một năm, nhưng là vai diễn rất hay. Có người sưu tầm vào danh thiếp gần mười chức vụ, các ban bệ, thậm chí in luôn cả vào danh thiếp dòng chữ: Trưởng ban phụ huynh trường Tiểu học (của con ông)! Cả hai người ấy đều chính là những kẻ tham danh, nhưng rõ ràng lựa chọn cách để tham danh của mỗi người khác nhau trời vực, khiến cái danh của mình trở nên danh giá hay rẻ tiền.
Cho nên nói cho cùng, luôn sợ thiệt hay luôn tham sân si, cũng đừng bao giờ trách số phận, hãy nhìn xuống bàn tay chính mình!
Trang Hạ
2013

Sunday, June 14, 2015

PHÊ BÌNH NGUYÊN TẮC 90/10 CỦA ÔNG STEPHEN COVEY

PHÊ BÌNH NGUYÊN TẮC 90/10 CỦA ÔNG STEPHEN COVEY
Phạm Quốc Bình, 11 tháng 10, 2012Nguyên tắc 90/10 của ông Stephen Convey cho rằng, khi mình gặp phải điều không vừa ý, nếu mình bình tỉnh đối phó, thì mình không làm cho tình hình xấu hơn. Cốt lõi chỉ có vậy, nhưng giải thích thì dài dòng. Tại sao lại dựa vào con số 90/10 mà không có cơ sở gì hết?
Việt nam ta có nhiều nguyên tắc hay hơn và đầy đủ hơn. Chẳng hạn như, một điều nhịn, chín điều lành. Nếu con gái bạn làm đổ cà phê lên áo bạn, mình chỉ việc để ý hơi thở và mỉm cười. Thế là xong.
Tương tự, khi ai lái xe cắt ngang phía trước mình, mình chỉ việc để ý hơi thở, dùng hơi thở để nhắc mình tỉnh thức. Ta vừa thở, vừa mỉm cười. Thế là xong. Nếu ai bóp còi phản đối ta, thì ta chỉ việc dơ tay xin lỗi, bất kể là ta có lỗi hay không. Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Mọi cái trên đời đều theo luật nhân quả, nghiệp, và vô thường. Vì ta khôn và biết suy nghĩ, cho nên ta phải tránh gieo nhân xấu. Mặt khác, ta nên gieo nhân lành, càng nhiều càng tốt. Vì vạn sự khởi đầu bằng chữ Tâm, cho nên nếu ta giữ tâm ý trong sạch, thì ta vui vẻ, trẻ trung, làm việc có kết quả hơn.
Bất cứ hành động và ý nghĩ gì mà ta lập đi lập lại, sẽ tạo ra nghiệp. Để có nghiệp tốt, thì ta nên tỉnh thức và cẩn thận.
Đời là vô thường. Khi ta sinh ra, ta không có tài sản vật chất (materials) nhưng ta có nghiệp. Khi ta chia tay trái đất, tài sản vật chất (materials) không theo ta, nhưng nghiệp (chồng chất) đi theo ta. Vì ta khôn, cho nên... khi còn thở, ta phải liên tục tạo nghiệp tốt và chuyển nghiệp xấu.
Tóm lại, nếu ta ghi nhớ "một điều nhịn chín điều lành", và áp dụng khôn ngoan luật nhân quả, nghiệp, và vô thường, thì ta sẽ thấy tổ tiên ta đã để lại cho ta nguyên tắc sống hay và đầy đủ hơn nguyên tắc 90/10 của ông Stephen.
 
Cước chú: Sau đây là nguyên văn nguyên tắc 90/10 mà chúng tôi chép lại trong 90-10_Principle.pps (Carlos Rangel).


The 90/10 Principle (Stephen Convey)

10% of life is made up of what happens to you
90% of life is decided by how you react...

What does this mean?
We really have NO control over 10% of what happens to us.

We cannot stop the car from breaking down.
The plane will be late arriving, which throws our whole schedule off.
A driver may cut us off in the traffic.
We have NO control over this 10%.

The other 90% is different.
You determine the other 90%.

How?... By your reaction.

You cannot control a red light.
However, you can control your reaction.

Do not let people fool you.
You can control how you react.

Let us use an example...

You are having breakfast with your family.
Your daughter knocks over a cup of coffee
Onto your business shirt.

You have no control over what has just happened.

What happens next will be determined by how you react.
You curse.
You harshly scold your daughter for knocking the cup over.
She breaks down in tears.
After scolding her, you turn to your wife
and you criticize her for placing the cup
too close to the edge of the table
A short verbal battle follows.

You storm upstairs and change your shirt.
Back downstairs, you find your daughter has been too busy crying
to finish her breakfast and getting ready to go to school.
She misses the bus.

Your spouse must leave immediately for work.
You rush to the car and drive your daughter to school.

Because you are late, you drive 40 miles per hour in a 30 mph speed limit zone.
After a 15-minute delay and throwing
$60.00 traffic fine away, you arrive at school.
Your daughter runs into the building without saying goodbye.

After arriving at the office 20 minute late, you realize you forgot your briefcase.

Your day has started terrible. As it continues, it seems to get worse and worse.
You look forward to coming home.

When you arrive home, you find a small wedge in your relationship with your
wife and daughter.

Why?

Because of how you reacted in the morning.

Why did you have a bad day?

A) Did the coffee cause it?
B) Did your daughter cause it?
C) Did the policeman cause it?
D) Did you cause it?

The answer is "D".

You had no control over what happened with the coffee.
How you reacted in those 5 seconds is what caused your bad day.

How is what could have and should have happened.

Coffee splashes over you.
Your daughter is about to cry.
You gently say: "It's okay, honey, you just need to be more careful next time."

Grabbing a tower you go upstairs and change your shirt.
You grab your briefcase, and you come back down in time to look through the
window and see your child getting on the bus.
She turns and waves. You arrive 5 minutes early and cheerfully greet the staff.

Notice the difference.

Two different scenarios. Both started the same. Both ended different.

Why?
Because of how you reacted.
You really have no control over 10% of what happens in your life.

The other 90% was determined by your reaction.

Here are some ways to apply the 90/10 Principle.

If someone says something negative about you, do not be a sponge.
Let the attack roll off like water on glass. You do not have to
let the negative comments affect you.

React properly and it will not ruin your day. A wrong reaction could
result in losing a friend, being fired, or getting stressed out.

How do you react if someone cuts you off in the traffic?
Do you lose your temper?
Pound on the steering wheel? (A friend of mine had the steering wheel fall off),
Do you curse? Does your blood pressure skyrocket?
Who cares if you arrive 10 seconds later at work?
Why let the cars ruin your drive?

Remember the 90/10 Principle and don't worry about it.

You are told you lost your job.
Why lose sleep and get irritated?
It will work out.

Use your worrying energy and time to find a new job.

The plane is late. It is going to mangle your schedule for the day.
Why take out your frustration on the flight attendant?
She has no control over what is going on.

Use your time to study, get to know the other passenger, why stress out?
It will just make things worse.

Now you know the 90/10 Principle. Apply it and you will be amazed
at the results. You will lose nothing if you try it.

The 90/10 Principle is incredible. Very few know and apply this Principle.

The result?
You will see it by yourself!

Millions of people are suffering from undeserved stress, trials, problems and headaches.

We all must understand and apply the 90/10 Principle.
It can change your life.

Enjoy it.

It only takes willpower to give ourselves permission to make the experience.

Absolutely everything we do, give, say, or even think, it's like a Boomerang. It will come back to us...

If we want to receive, we need to learn to give first...
Maybe we will end with our hands empty, but our heart will be filled with love.

And those who love life, have that feeling marked in their heart...

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật Đạo
May the merit of this work
Be shared with all beings
So that we
May all attain Complete Enligtenment 

Rơi nước mắt trong đám cưới người cũ

Rơi nước mắt trong đám cưới người cũ

Mới ba mươi phút trước đây, tôi còn hoài nghi về quyết định của chính mình.
Đi ăn cưới bạn trai cũ cần rất nhiều sự dũng cảm, nhất là khi chỉ mấy năm qua tôi đã béo lên hơn mười lăm ký. Tuy nhiên suy đi tính lại hồi xưa yêu nhau tôi chưa từng gặp bố mẹ anh, cũng chẳng mấy khi đi chơi chung với bạn bè anh, nên cuối cùng tôi vẫn quyết định giả vờ mình rất tự tin thoải mái, ăn mặc trang điểm thật đẹp để bước vào hội trường này.
Mươi năm trước hồi mới tốt nghiệp đại học, tôi yêu anh ấy hơn một năm, hồi đó yêu nhau chẳng cãi cọ hờn giận gì mấy, anh ấy là một người yêu rất tuyệt vời, mỗi tội sau này anh ấy đã bỏ tôi mà không hề có lý do gì rõ ràng!
Đám cưới thường cũng giống nhau, theo trào lưu đang là mốt mấy năm nay ở Đài Loan, mở đầu đám cưới thường là chiếu lên cho quan khách xem hình ảnh từ nhỏ của cặp uyên ương (có một số tấm ảnh tôi đã từng xem), rồi chiếu đến bộ ảnh cưới, tôi thấy những trò ấy nhạt nhẽo và tầm thường, cho đến lúc MC tuyên bố, hôn lễ tối nay sẽ có một trò chơi dành cho quan khách.
– Hôm nay chúng ta hy vọng cô dâu chú rể có được những lời chúc mừng đặc biệt nhất của những bạn bè người thân tới dự đám cưới, chúng tôi sẽ gắp thăm để lựa chọn một số người trong số khách mời hôm nay đứng lên sân khấu, kể về mối quen biết của họ với cô dâu hoặc chú rể, rồi kể một kỷ niệm sâu sắc mà họ có với cô dâu chú rể.
Quen biết? Thôi thế là đẹp mặt rồi, quanh đây toàn người quen của cô dâu chú rể, tôi làm sao có thể tự nhận tôi là đồng nghiệp cũ, hay là bạn học hồi Tiểu học hay bạn học bất kỳ giai đoạn nào của anh? Bởi sẽ ngay lập tức bị lật tẩy. Nhưng tôi sẽ lên sân khấu nói, tôi là người yêu cũ của chú rể sao?
Cả hội trường náo nhiệt hẳn lên, nhưng sự xôn xao của họ khác hẳn sự sợ hãi của tôi, mọi người có vẻ rất thích thú với trò chơi này. Thế là suốt bữa tiệc cưới, cùng với những món ăn được dọn lên bàn tiệc, cũng lần lượt có những người quen biết, thân thiết khác nhau của cô dâu chú rể đứng lên chúc mừng hôn lễ.
Còn tôi mồ hôi lạnh chảy dầm dề. Tôi cầu xin, tôi mong đêm nay mau kết thúc trước khi tên tôi được xướng lên. Hoặc nếu nghe thấy tên tôi được xướng lên, tôi sẽ bỏ chạy!
Những người lên sân khấu, có người khóc vì hạnh phúc, có người pha trò kể kỷ niệm xấu hổ của cô dâu chú rể, nhưng nói chung đều là những câu vô hại.
Đến lúc có một phụ nữ xinh đẹp lên sân khấu, gương mặt trang điểm vừa khéo, làm nổi bật làn da tuyệt đẹp, mặc một bộ váy duyên dáng làm nổi bật đường cong đẹp của cơ thể. Chị vừa mở lời, cả hội trường bỗng dưng lặng phắc:
– Tôi là vợ cũ của chú rể! – Người phụ nữ đẹp nói.
– Chú rể là một người đàn ông tốt, tốt với tôi, tốt với cả gia đình tôi, với cả bạn bè đều sống rất tốt. Tôi nhớ nhất là việc, anh ấy thường nói với tôi, nói rằng, anh yêu em bởi vì em đẹp quá. Nhưng điều làm tôi đau khổ là bởi, chỉ sau khi cưới nhau một năm, anh ấy đã đòi li hôn, vào lúc mà tôi vẫn còn vô cùng yêu anh…
Tôi nhớ lờ mờ trong ký ức, lúc yêu tôi vào thời điểm mười năm trước, anh đúng là đã vừa li hôn vợ, nhưng tôi có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được là, vợ cũ của anh lại xinh đẹp đến thế.
Dù người phụ nữ xinh đẹp này sau đó đã lịch sự chúc mừng đôi vợ chồng mới, nhưng không khí của cả hội trường đều chùng xuống, đó đây những tiếng rì rầm bàn tán.
Chủ hôn muốn phá tan bầu không khí ngại ngùng, bèn vội vã gọi luôn tên một ai đó trong danh sách khách mời, và dưới bàn tiệc bước lên một phụ nữ rất năng động, tóc ngắn lanh lợi, bề ngoài như vẻ một lãnh đạo cao cấp của một công ty liên doanh.
– Tôi là Subrina, nếu đoán không nhầm, thì tôi là bạn gái cũ thứ hai của chú rể.
Gay cấn đây, giờ thì đến lượt tôi vừa kinh ngạc vừa vui mừng. Hóa ra ngồi đây đâu phải có mỗi mình tôi là lo ngay ngáy, giờ thì tôi không sợ nữa vì không còn bị lạc lõng. Nhưng bây giờ tôi bắt đầu tò mò, không rõ chú rể đang cảm thấy thế nào. Nên tôi nhỏm lên ngó sang bàn cô dâu chú rể, nhưng thấy gương mặt anh bình tĩnh, vui vẻ. Và tôi cũng ngắm kỹ cô dâu, nếu so sánh với người vợ cũ và bạn gái cũ, thì người phụ nữ mặc áo cưới kia thua kém rất nhiều về nhan sắc và ngoại hình.
– Tôi và chú rể từng có thời gian rất mặn nồng với nhau, nhưng điều làm tôi ghi nhớ nhất là câu nói của anh ấy, anh ấy thích nhất là sự thông minh của tôi. Nhưng, tôi không hiểu lý do vì sao, hồi ấy cuối cùng anh lại bỏ tôi.
Nghe đến đây, cả hội trường không nén được ầm ĩ hết cả lên, bởi không ngờ cùng một kịch bản ấy, chú rể bỏ vợ, rồi chú rể bỏ người yêu đều cùng một kiểu. Thế thì cái đám cưới này rồi sau ra sao, liệu có hạnh phúc được như những lời chúc của khách khứa chăng?
Nghe hai khách mời nói, trong trí nhớ của tôi quay lại thưở yêu đương mười năm trước. Thấp thoáng tôi nhớ, hình như anh cũng đã thường nói với tôi một câu nói nào đó, mà giờ ngay lập tức tôi chưa thể nhớ ngay ra…
– Maria Trần! – Vào lúc tôi đang mông lung hồi tưởng, tôi nghe thấy ai gọi to tên tôi, tôi bất giác đứng dậy.
– Tôi đây! – Tôi buột mồm đáp, rồi nhận ra người gọi tên tôi không phải là ai khác, mà chính là chủ hôn. Phản ứng bản năng khiến tôi đứng đờ ra, quên mất mình đã định chạy trốn nếu bị gọi đến.
Vào lúc tôi ngại ngùng không biết nói gì về mối quan hệ giữa tôi và chú rể, bỗng chú rể đứng lên, và bước tới sân khấu.
– Tôi nghĩ, tôi cần phải nói một chút về những mối tình mà tôi đã từng trải qua! – Chú rể nói, cả hội trường lặng thinh chăm chú.
– Mười năm trước tôi lần đầu tiên cưới vợ, tôi yêu một người phụ nữ xinh đẹp, tôi nghĩ rằng, một cô gái đẹp là thứ quý giá quan trọng nhất trên đời mà tôi muốn tìm kiếm. Nhưng rồi, tôi nhận ra, nhan sắc không hề là mục tiêu đời tôi, nên tôi chọn cách là ra đi, và quyết định sẽ không bao giờ hấp tấp cưới vợ nữa, sẽ lựa chọn nửa kia của đời mình thật cẩn thận.
Khi tôi yêu Subrina, tôi thấy chuyên môn và tài năng, sự thông minh nhạy bén của cô ấy hỗ trợ tôi rất nhiều mặt, thế nhưng khi tôi nhận ra, sự giỏi giang của cô ấy trở thành áp lực dành cho tôi, tôi lại phải chọn cách là chia tay.
Sau cô ấy, tôi bị cuốn hút bởi người phụ nữ nội tâm sâu sắc và có chung sở thích, và tôi đã yêu Karen. Thế nhưng vào thời điểm đó, tôi phát hiện ra mình bị ung thư, trên đời này tất cả mọi thứ đã trở nên vô giá trị với tôi, nên tôi đã bỏ cô ấy.
Sau mấy năm trời chiến đấu với bệnh ung thư, tôi bỗng nhận ra, cái tôi cần nhất ở nửa kia chính là họ phải ở bên tôi, đừng bỏ rơi tôi. Chứ không phải là họ đẹp, họ thông minh tài giỏi, hay họ sâu sắc tâm hồn. Và thế là, tôi đã lựa chọn vợ tôi bây giờ!
Nghe tới đấy, tất cả khách mời trong tiệc cưới đều vỗ tay như sấm, tôi thấy ngay cả người vợ cũ và người yêu cũ của anh ấy đứng dưới cũng khẽ mỉm cười, như đã hiểu những gì mà anh lựa chọn.
Và giây phút ấy, không hiểu sao mắt tôi đẫm lệ, vì tôi đã nhớ ra câu anh ấy hay nói với tôi ngày xưa. Và tôi quyết định, im lặng rời khỏi hôn lễ của anh.
– Anh yêu vóc dáng mảnh mai cân đối của em biết bao!
Mười năm trước, anh ấy đã nói thế… Bây giờ làm sao tôi dám bước lên để nhắc về lời khen ngợi ấy…
P/S: Chỉ ta mới biết ta đang tìm nửa kia là ai, là người như thế nào. Nhưng nếu đã chọn, thì nhớ đặt niềm tin vào lý do  mà ta đã lựa chọn họ.
* H (nhà văn Đài Loan)
Trang Hạ dịch

Ăn mày cũng phải học kinh tế

Ăn mày cũng phải học kinh tế

trao danh thiếp cho sư tổ ăn mày giữa quảng trường Trung Chính, he he em Tuấn.
Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi’s ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.
– Xin anh… cho tôi ít tiền đi! – Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
– Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi’s ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
– Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! – Tôi ngạc nhiên.
– Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. – Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
– Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
– Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
– Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế (strenghts), bất lợi (weakness), những cơ hội (opportunities) và nguy cơ (threats). Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
– …???
– Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:
– Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
– Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? – Tôi căn vặn.
– Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
– Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
– Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 trăm nghìn.
– Hả? Nhiều vậy sao? 
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
– Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
– Ông nói tiếp đi! – Tôi hào hứng.
– Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
– Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
– Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
– Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: “Hồng ơi, anh yêu em”, gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
– Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!
– Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
– Ối ông cũng có vợ con?
– Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.
Tôi buột miệng:
– Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không? 
(Trang Hạ dịch, theo diễn đàn Shenzhen, TQ)