Mình ơi
Ngày xưa tôi có quen một anh bạn rất thông minh, khéo léo, lãng mạn, có tài văn chương và khá… cực đoan. Một lần, anh ấy viết một truyện ngắn lấy tên là “Mình ơi!”.
Anh giải thích, đó là mong ước hạnh phúc của một người đàn ông sinh ra trong thế kỷ hai mươi, sống với những giá trị văn hóa của thế kỷ này, nhưng… sẽ lấy vợ là một người phụ nữ thế kỷ hai mốt! Và, cho dù cả xã hội sẽ gọi vợ là em, là nàng, là bà xã xệ nhà tôi, thì anh ấy chỉ muốn gọi vợ (trong tương lai) bằng cái cách quê mùa gần gũi nhưng ấm áp nhất, là “mình ơi!”.
Chúng tôi đã tranh luận rất lâu về cách người chồng gọi người vợ, nói lên rất nhiều về yêu thương và về chính người đàn ông – đàn bà đó trong mối quan hệ hôn nhân ấy. Tôi cho rằng, cách người chồng gọi vợ chỉ là một thứ quy ước, thuận miệng và theo thói quen gia đình. Ví dụ như, nếu bố mẹ chồng gọi nhau là anh – em, rất có khả năng đôi vợ chồng trẻ cũng xưng hô với nhau như thế. Hoặc cả một vùng miền Tây gọi vợ là “bà xã” thì mọi đàn ông đều gọi vợ như thế, không mang hàm ý gì.
Anh bạn tôi thì lại cho rằng, không như chúng ta tưởng, “vợ tôi” là cách gọi vợ lạnh lùng xã giao nhất khi đàn ông trò chuyện với người ngoài. “Cô ấy” là cách gọi mà người đàn ông đang nói chuyện với… cô bồ trẻ trung xinh đẹp. Còn “mình ơi, nhà tôi, bà xã nhà mình” là cách gọi chứa nhiều yêu thương nhất mà người đàn ông gọi vợ. Trong tên gọi ấy, luôn có một nửa “mình, tôi” của người đàn ông ở trong ấy, có gắn kết bản thân mình với người phụ nữ mình yêu.
Gọi vợ như thế, người đàn ông sẽ không bao giờ phản bội vợ!
Có điều, nếu người phụ nữ không biết cách giữ lửa yêu thương, có thể một ngày nào đó, “mình ơi” sẽ trở thành “cô ấy”, đầy lạnh lùng trong câu chuyện của người đàn ông. Tất cả phụ thuộc ở những gì mà người đàn ông cảm nhận về vợ mình.
Có thể cô vợ mới đầy nũng nịu âu yếm, một cuộc sống mới bỡ ngỡ đầy mật ngọt khiến người chồng cảm thấy, có thể dùng những tên gọi tha thiết nhất cho vợ. “Em yêu ơi!” hoặc “vợ yêu ơi!”.
Và một ngày, một người đàn bà bụng xồ ra, tóc buộc quấy quá sau gáy, đi lại trong nhà trong bộ đồ cộc quăn tít, nhăn nhó khiến những vết nhăn trên gương mặt càng sâu thêm và già đi, sẽ khiến người chồng cảm thấy hình như có một người phụ nữ già nua xa lạ đã đến thế chỗ của người thiếu nữ thảnh thơi được yêu được cưới ngày xưa. Hình như, lúc ấy cảm nhận của người đàn ông về vợ mình đã thay đổi, chứ không phải chồng đã thay đổi, giờ chỉ gọi vợ là “bà”, một “bà vợ” đúng nghĩa thực dụng, đầu bù tóc rối, cũ kỹ.
Nếu người đàn ông sâu sắc, họ sẽ hiểu lý do, thứ mà thời gian lấy đi của người phụ nữ, chính là cái cách mà người phụ nữ làm cho gia đình hạnh phúc: Lo việc nhà, chăm con, phấn đấu sự nghiệp, quên thời gian dành cho chăm sóc vóc dáng, làn da. Có thể, họ sẽ thương vợ, thương xen chút ái ngại.
Nếu người chồng chỉ là một người đàn ông như vạn đàn ông khác trên đời, họ sẽ chỉ đơn giản nhận ra rằng: Vợ đã già đi! Nhìn thấy điều ấy từ vóc dáng và làn da thiếu chăm sóc của vợ.
Chúng ta ít may mắn gặp được những người đàn ông sâu sắc, hiểu mỗi mất mát là một thứ quà tặng của đời sống. Chúng ta lại rất hay gặp đàn ông đòi hỏi vợ đã đảm đang lại còn phải gọn gàng duyên dáng. Bởi thế, nếu không biết tự làm mình vui, mình đẹp, có rất nhiều khả năng là người phụ nữ sẽ nhận lấy cảm giác trống trải trong cõi đàn bà của mình. Khi cái cách đàn bà chăm sóc tình yêu thương, hóa ra, đã không mang lại thứ yêu thương như của ngày đầu mà người vợ mong muốn.
Không biết yêu thương đã bay đi đâu mất, theo suốt những năm dài, khi phụ nữ chúng ta cắm mặt vào bếp núc gia đình con cái và quên không đôi lần mở lại album ảnh cũ, ngắm những bức ảnh thời mới cưới. Hay những bức ảnh thời mới yêu nhau. Từ khi nào, chúng ta đã tự cho phép chúng ta xuề xòa, luộm thuộm trước mặt nhau? Mà quên đi mất rằng, ngày xưa, khi mua một chiếc áo mới, khi thử một màu son mới, ta đã hạnh phúc thế nào khi áo vừa dáng, son hợp da và ta thấy bản thân mình đẹp lên?
Nên ta đã quên mất cảm giác được một lời khen “dáng chuẩn da xinh, cười làm bao anh rung rinh” của chồng từ rất lâu rồi. Và tự an ủi rằng, những lời khen xinh đẹp xã giao từ người ngoài đã là đủ cho sự tự tin của một người đàn bà, mà cứ về nhà là tất bật với việc nhà cho đến lúc tắt đèn đi ngủ.
Anh bạn ngày xưa đỗ thủ khoa vào Đại học Văn hóa, rồi lại tốt nghiệp thủ khoa. Nhưng dòng đời đã đẩy anh ấy tới một vùng nào đó xa lắc, biệt tăm, bạn bè cũ không ai gặp lại lần nào.
Tôi hy vọng, ở một phương trời nào đó, dù đang hạnh phúc hay đang vất vả, anh cũng không đổi thay, anh sẽ gọi người phụ nữ bên cạnh là “Mình ơi!”
Trang Hạ
2012
No comments:
Post a Comment