Em nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?
1. Thỉnh thoảng trên facebook lại có người gửi thư hỏi tôi nghĩ sao về chuyện của họ?
Vì họ mới thất tình, họ mãi vẫn còn ế, họ đã là nữ sinh viên năm đầu lại yêu một anh vị thành niên mới học lớp 9, họ được cầu hôn bởi anh quá tuổi hưu, họ không biết nên mất trinh vào ngày nào là đẹp trời nhất, họ nghĩ viết văn là một loại bàn đèn thuốc phiện mà họ cần tí sái, họ phải lòng một người không nên phải lòng…
Với những chuyện tôi thấy nghiêm trọng, tôi sẽ trả lời nghiêm túc. Với những người hỏi tầm phào, tôi im lặng. Với những người bất bình thường, tôi cũng dùng cách bất bình thường để trả lời họ.
Kiểu như có một cô hỏi tôi thế này, chị ơi, từ năm 18 tuổi em đã làm gái bao cho bạn của bố em, giờ em 23 tuổi, em thấy ông ấy già quá, em bèn đi yêu một anh trai tơ bằng tuổi. Khổ nỗi cái thằng trai tơ nó đã không chịu lòi tiền ra cho em, nó lại còn đánh em nữa. Nhưng nó lại trẻ. Thế chị bảo em bây giờ nên làm gì, đi với thằng già hay thằng trẻ? Chị hãy trả lời em ngay, nhanh lên chị nhé, trước khi thằng già phát hiện ra sự thật, nếu không, thì em chỉ còn cách… chọn thằng trẻ!
Theo bạn, người hỏi câu hỏi như thế thì sẽ được tôi xếp vào loại nào: nghiêm trọng – tầm phào – hay bất bình thường?
Có một nỗi sợ của mọi chúng ta: Sợ Thiệt! Kiểu như cô gái tôi kể ở trên, giữ tình già thì sợ thiệt mất tay trẻ trai, mà giữ tay trẻ trai thì sợ thiệt tình già kèm theo tiền già. Giữ trinh thì sợ thiệt vui thú, mất trinh thì sợ thiệt danh tiếng, nghèo thì sợ bị thiệt thể diện, một tuần liền không báng bổ được ai thì sợ bị ném đá trí tuệ, ngồi đọc sách sợ mất ngày vui, mua váy cho bồ nhất định phải giữ hóa đơn, tặng con chiếc xe ba bánh thì phải thêm vài câu cảnh cáo bắt hứa ngoan ngoãn, muốn yêu nhưng ngại người nhà quê, trước khi đi làm phải liếc bằng hết xem facebook có cái gì mới sợ bỏ sót mất đám nào xôm tụ v.v…
Cái gì cũng muốn được, muốn nhiều hơn, nó đã là bản năng của con người rồi. Nhưng bản năng có thể được điều chỉnh bởi đời sống văn minh và trí huệ của một con người. Trí huệ chứ không phải là trí tuệ! Bởi trí tuệ có thể dễ nhận ra nhất là ở những kẻ kiêu căng về bản thân và những kẻ giỏi giang xuất chúng. Còn trí huệ lại thường biến ta thành người uyển chuyển khiêm tốn tự tại và có nội lực.
Ví dụ đơn giản, những kẻ báng bổ luôn nhấn mạnh rằng, ai cũng có bóng tối sau lưng, ai cũng có sự xấu xa và thua kém của họ. Mọi thần tượng đều có mặt trái đầy bẩn thỉu. Còn những người thực sự tử tế thì lại nói rằng, bạn đang luôn hướng mặt về phía ánh sáng đó thôi, đừng bận tâm về những thị phi từ bóng tối sau lưng. Điều quan trọng nhất là ta luôn quay mặt về phía ánh sáng tới. Và những thần tượng trở thành thần tượng vì họ đã làm được rất nhiều điều có ý nghĩa cho tôi và cho bạn, cho xã hội này, chứ không phải, họ trở thành thần tượng vì họ che giấu khiếm khuyết tài tới nỗi mọi phía của họ đều là ánh hào quang!
Nên, nếu nhìn về phía ánh sáng, cô gái có thể nhận được câu trả lời là: hạnh phúc phải tự bàn tay em làm ra, không phải do thằng đàn ông già hay thằng đàn ông trẻ mang lại. Danh dự, tiền bạc cũng thế. Để cắt đứt hẳn với quá khứ, em hãy coi như sáu năm qua, em đã phải sử dụng tới hai sextoy để thỏa mãn dục vọng của em. Còn bây giờ, có thể em không cần sextoy nữa, em cần thứ khác, một thứ gì đó mà những con sextoy không mang lại cho em được.
(Còn một câu cuối, tôi không muốn nói ra vì quá tàn nhẫn: Nếu em không làm được như thế, thì em đã và sẽ chính là sextoy của những người đàn ông ấy, không hơn gì!)
2. Cứ hình dung những nỗi thèm khát đời thường như năm ngón trên bàn tay bạn. Ngón cái là tham tiền, rồi lần lượt là tham tình, tham tài, tham danh, tham tục. Tham tiền thực ra chính là thèm khát động lực phát triển của đời sống này, có gì phải ngượng ngùng khi nói rằng chúng ta tham tiền, chỉ sợ chúng ta coi thường giá trị của đồng tiền, cứ nghĩ những gã nhà giàu là kẻ xấu xa. Nhưng khổ nỗi, có phải Alibaba tốt bụng đáng yêu rốt cuộc lại trở thành một kẻ giàu có? Đó là phần thưởng cho sự lương thiện chứ đâu phải là hình phạt cho chàng Alibaba láu lỉnh? Nếu giàu có là xấu xa, thì phải chăng những phần thưởng của cuộc đời này (không chỉ trong cổ tích) cho nỗ lực phấn đấu và làm việc của mỗi người chúng ta, đó là, biến thành một kẻ xấu xa? Mà nếu chẳng có tiền, thì bao nhiêu những cái tốt đẹp khác chẳng có cơ hội để bộc lộ ra. Như bàn tay không ngón cái, bốn ngón còn lại thật khó xoay xở.
Ngón cái là tham tiền, rồi lần lượt là tham tình, tham tài, tham danh, tham tục. – Ảnh: Thinkstock
Ngón trỏ là tham tình, ta cần tình yêu biết bao, sẵn sàng có thể vì tình yêu mà hy sinh rất nhiều điều khác, thậm chí hy sinh luôn cả… bố mẹ mình, bỏ ngoài tai lời can ngăn của bố mẹ và hai mươi năm nuôi nấng để đi theo một gã đàn ông chỉ biết nháy mắt và huýt sáo. Hoặc, bỏ cả vợ con để cưới một cô gái trẻ. Chẳng tham, thì nên gọi là gì?
Tham tài là ngón tay giữa, chỉ bởi tham tài tôi nghĩ là thứ tham lam đáng quý trên đời này. Không phải tài năng là thứ năng lực tột đỉnh của một con người có thể cống hiến sao, nhưng nhận ra được tài năng của kẻ khác và luyến tiếc trân quý nó mới chính là phẩm chất tuyệt vời nhất của một con người. Chúng ta gặp đâu cũng thấy kẻ dìm hàng và chém gió, những kẻ đố kị, những kẻ chỉ tìm cách bôi nhọ người nổi tiếng và người không nổi tiếng, chúng ta gặp nhiều hơn là những kẻ thờ ơ: Chị hát hay lắm nhưng tôi chỉ nghe chùa trên mạng rồi tôi cả đời không bỏ đồng nào ra mua đĩa cho chị! Chị viết văn hay lắm nhưng tôi chỉ đọc chùa trên mạng chứ cả đời cũng không bỏ đồng nào ra mua sách của chị! Anh là nghệ sĩ tôi rất hâm mộ nhưng đi qua tôi chỉ ngoái lại nhìn một cái như nhìn thấy một con khỉ đang xổng chuồng đi giữa phố. Chứ tiếc cả một câu chào, một nụ cười. Cho nên tôi nghĩ, để tham tài, người ta không chỉ cần có mắt xanh nhìn nhận trân trọng kẻ khác, còn phải bỏ ra nhiều hơn những gì có thể sẽ được nhận lại.
Tham danh là ngón áp út, tham danh cũng không tệ, nếu không phải vì nó, người ta sẵn sàng bóp méo nhân cách.
Tham tục là ngón út, vì tôi cho rằng đó là ngón tay kém cỏi xấu xí nhất. Thế mà có biết bao nhiêu thứ trần gian đổ vào ngón tay tham tục ấy!
Để rồi, khi nhìn xuống bàn tay, ta sẽ thấy thứ tham lam nào ta cũng có. Và số phận của chúng ta khác nhau, địa vị của chúng ta khác nhau trong đời chỉ vì lý do này thôi:
Ta coi trọng ngón tay nào nhất! Tôn chỉ sống của ta đã cho phép ta chấp nhận những giới hạn nào của thói xấu. Và, ta có thể biến ngón tay nào thành động lực sống tích cực của mình hay không.
Có người nghệ sĩ đạt được danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đã từ chối những vai diễn rẻ tiền và dễ dãi chỉ để giữ hình ảnh và danh hiệu của mình trong lòng công chúng, chẳng thà sống nghèo với một vai diễn duy nhất trong suốt một năm, nhưng là vai diễn rất hay. Có người sưu tầm vào danh thiếp gần mười chức vụ, các ban bệ, thậm chí in luôn cả vào danh thiếp dòng chữ: Trưởng ban phụ huynh trường Tiểu học (của con ông)! Cả hai người ấy đều chính là những kẻ tham danh, nhưng rõ ràng lựa chọn cách để tham danh của mỗi người khác nhau trời vực, khiến cái danh của mình trở nên danh giá hay rẻ tiền.
Cho nên nói cho cùng, luôn sợ thiệt hay luôn tham sân si, cũng đừng bao giờ trách số phận, hãy nhìn xuống bàn tay chính mình!
Trang Hạ
2013
No comments:
Post a Comment