Wednesday, May 17, 2017

10 quy tắc vàng của bậc thầy Phân tích kỹ thuật John Murphy



John Murphy được xem là một trong những bậc thầy về phân tích kỹ thuật hiện nay của thế giới.
John Murphy còn là tác giả nổi tiếng chuyên viết về các đề tài phân tích kỹ thuật, với các tác phẩm bán chạy (best seller) như Technical of the Financial Markets, Trading with Intermarket , và The Visual Investor.
Ông hiện là Giám đốc Phân tích Kỹ thuật (Chief Technical Analyst) của StockCharts.com ,10 quy tắc vàng trong giao dịch dưới đây của John Murphy đã trở nên nổi tiếng trong giới trader trên toàn thế giới.
​1. Phân tích biểu đồ dài hạn để có bức tranh toàn cảnh về xu hướng thị trường. Hãy bắt đầu phân tích với biểu đồ tháng và biểu đồ tuần trong vài năm liên tục.Bức tranh toàn cảnh trong một giai đoạn dài hơn sẽ giúp tăng khả năng nhận biết và thấu hiểu về triển vọng dài hạn của thị trường.Sau khi đã có quan điểm về xu hướng dài hạn của thị trường, hãy phân tích biểu đồ giao dịch ngày (daily) và trong phiên (intra-day).Cần lưu ý là bạn có thể phạm sai lầm nếu chỉ phân tích xu hướng thị trường ngắn hạn.Thậm chí nếu bạn giao dịch trong khung thời gian cực ngắn thì cũng sẽ hiệu quả hơn nếu bạn giao dịch cùng hướng với xu hướng trung hạn và dài hạn của thị trường.
2. Xác định xu hướng và đi theo nó. Xu hướng thị trường có thể là dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn.Đầu tiên, hãy xác định khung thời gian mà bạn sẽ giao dịch và sử dụng biểu đồ thích hợp.Hãy chắc chắn rằng bạn đang giao dịch theo đúng hướng của xu hướng đó. Mua vào lúc thị trường giảm khi xu hướng đang là tăng giá, và bán vào lúc thị trường tăng khi khi xu hướng đang là giảm giá.Nếu bạn đang giao dịch theo trung hạn, thì nên sử dụng biểu đồ ngày và tuần. Nếu bạn là người giao dịch trong ngày, thì nên dùng biểu đồ ngày và trong ngày.Nhưng cần lưu ý rằng trong mọi trường hợp, hãy xác định xu hướng bằng biểu đồ dài hạn hơn, rồi sau đó sử dụng biểu đồ ngắn hạn hơn để xác định thời điểm giao dịch (timing).
3. Tìm đỉnh/đáy hay là ngưỡng hỗ trợ/kháng cự. Điểm tốt nhất để mua vào là gần ngưỡng hỗ trợ, ngưỡng này thường là đáy liền trước đó.Ngược lại, điểm tốt nhất để bán ra là gần ngưỡng kháng cự, thường là đỉnh liền trước đó.Sau khi đỉnh kháng cự bị phá vỡ thì thông thường nó sẽ tạo (trở thành ngưỡng) hỗ trợ cho những đợt hồi phục sau đó. Nói cách khác, đỉnh cũ sẽ trở thành đáy mới.Tương tự, khi ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ thì thông thường nó sẽ khiến người ta đẩy mạnh bán ra trong những đợt phục hồi trở lại sau đó; và đỉnh cũ có thể trở thành đáy mới.
4. Tỷ lệ % “dội ngược” trở lại (Retracement). Sau khi thị trường điều chỉnh tăng hoặc giảm thì thường diễn ra một đợt “dội ngược” trở lại của xu hướng trước đó.Chúng ta có thể đo sự điều chỉnh “dội ngược” trong xu hướng hiện tại của thị trường theo tỷ lệ phần trăm. Mức 50% của xu hướng trước là phổ biến nhất. Mức tối thiểu thường là 1/3 của xu hướng trước, trong khi mức tối đa thường là 2/3.Cũng cần theo dõi các mức retracement theo các mốc Fibonacci 38% và 62%.Vì vậy, có thể thấy trong quá trình điều chỉnh giảm của một xu hướng tăng giá, điểm mua ban đầu thường nằm trong khu vực retracement 33%-38%.
5. Vẽ đường xu hướng (Trendline). Đường xu hướng là một trong những công cụ phân tích đơn giản nhưng có hiệu quả nhất. Tất cả những gì bạn cần là một đường thẳng và 2 điểm trên đồ thị.Đường xu hướng đi lên được vẽ qua 2 điểm thấp nhất kế tiếp. Đường xu hướng đi xuống được vẽ qua 2 điểm cao nhất kế tiếp.Giá thường quay trở lại các đường xu hướng trước khi tiếp tục xu hướng của nó.Việc giá phá vỡ đường xu hướng thường báo hiệu sự thay đổi về xu hướng. Một xu hướng đúng khi đường xu hướng được chạm (test) ít nhất là 3 lần.Đường xu hướng tồn tại càng lâu và được test nhiều lần thì càng trở nên quan trọng (tức là cho tín hiệu đúng).
6. Theo sát các chỉ báo trung bình động (Moving average). Trung bình động (MA) có thể đưa ra các tín hiệu mua hoặc bán khách quan. MA cho bạn biết liệu xu hướng hiện tại có còn tiếp diễn hay không, và giúp xác nhận sự thay đổi trong xu hướng.Tuy nhiên, MA không cho bạn biết trước rằng sự thay đổi xu hướng sẽ diễn ra, nói cách khác MA là một chỉ báo cho tín hiệu trễ (lagging indicator).Một trong những cách phổ biến nhất để tìm tín hiệu giao dịch là kết hợp 2 MA. Một số cặp MA được sử dụng phổ biến trong giao dịch thị trường tương lai là MA 4 ngày và MA 9 ngày, MA 9 ngày và MA 18 ngày, MA 5 ngày và MA 20 ngày.
Tín hiệu xuất hiện khi đường MA ngắn hạn hơn giao cắt với đường MA dài hạn hơn. Giá cắt lên trên hoặc xuống dưới đường MA 40 ngày cũng tạo ra những tín hiệu giao dịch hiệu quả.Vì MA là chỉ báo giao dịch theo xu hướng nên chúng chỉ hoạt động tốt nhất trong thị trường có xu hướng rõ ràng (trending market).
7. Nhận biết điểm đảo chiều bằng cách theo dõi các chỉ báo dao động (oscillators). Các chỉ báo dao động giúp nhận diện liệu thị trường có đang trong tình trạng quá mua (overbought) hay quá bán (oversold) hay không.Trong khi MA giúp xác nhận sự thay đổi xu hướng thì các chỉ báo dao động thường giúp cảnh báo trước rằng thị trường đã tăng giá hoặc giảm giá quá mức và sẽ sớm quay đầu. Hai chỉ báo dao động phổ biến nhất là RSI (Relative Strength Index) và Stochasics. Hai chỉ báo này dao động trong phạm vi từ 0 đến 100.RSI trên mức 70 báo hiệu ở vùng quá mua, trong khi dưới mức 30 thì ở vùng quá bán. Các giá trị quá mua và quá của Stochastics lần lượt là 80 và 20. Phần lớn các nhà giao dịch sử dụng 14 ngày hoặc tuần đối với Stochastics, và 9 hoặc 14 ngày hoặc tuần đối với RSI. Sự phân kỳ (divergence) của chỉ báo dao động thường cảnh báo sự đảo chiều thị trường. Những công cụ này hoạt động tốt nhất trong thị trường dao động với biên độ hẹp. Các tín hiệu tuần có thể sử dụng làm bộ lọc cho các tín hiệu ngày. Các tín hiệu ngày có thể sử dụng làm bộ lọc cho đồ thị trong ngày.
8. Nhận biết tín hiệu cảnh báo – Giao dịch theo MACD. Chỉ báo Trung bình động Hội tụ – Phân kỳ (Moving Average Convergence Divergence, MACD) do Gerald Appel phát triển là kết hợp của hệ thống giao cắt các MA với các yếu tố quá mua/quá bán của một chỉ báo dao động. Tín hiệu mua xuất hiện khi đường chạy nhanh hơn giao cắt lên trên đường chạy chậm hơn và cả hai đường nằm dưới mức 0. Tín hiệu bán xuất hiện khi đường chạy nhanh hơn giao cắt xuống dưới đường chạy chậm hơn từ trên đường số 0. Các tín hiệu tuần ưu tiên hơn các tín hiệu ngày. Chỉ báo MACD Histogram biểu thị sự chênh lệch giữa 2 đường MA này và cho những cảnh báo sớm hơn về sự thay đổi xu hướng. Nó được gọi là “Histogram” bởi vì các thanh dọc được sử dụng để biểu thị sự chênh lệch giữa 2 đường MA trên đồ thị.
9. Thị trường có xu hướng hay không. Đường chỉ số xu hướng trung bình (Average Directional Movement Index, ADX) giúp xác định thị trường đang có xu hướng hay không. ADX đo mức độ và hướng của xu hướng trong thị trường. Đường ADX tăng lên cho thấy sự hiện diện của một xu hướng mạnh. Đường ADX giảm xuống cho thấy thị trường không có xu hướng rõ ràng. Bằng cách đánh dấu hướng của đường ADX, trader có thể xác định cách giao dịch và bộ chỉ báo nào là phù hợp nhất đối với hoàn cảnh thị trường hiện tại.
10. Nhận biết các tín hiệu xác nhận (Confirming Sign), bao gồm khối lượng (volume) và hợp đồng tương lai đang hiệu lực (open interest). Khối lượng và hợp đồng tương lai đang hiệu lực là những chỉ báo xác nhận quan trọng trong các thị trường tương lai. Khối lượng giao dịch đi trước giá. Cần phải chắc chắn rằng khối lượng giao dịch cao hơn xuất hiện theo hướng của xu hướng chi phối. Trong một xu hướng tăng giá, khối lượng giao dịch cao hơn phải xuất hiện vào những ngày tăng giá. Số hợp đồng tương lai đang hiệu lực tăng lên xác nhận rằng lượng tiền mới vào thị trường đang hỗ trợ xu hướng chi phối. Ngược lại, hợp đồng tương lai đang hiệu lực giảm thường là một cảnh báo cho biết xu hướng gần kết thúc. Một xu hướng tăng giá vững chắc cần được đi kèm theo bằng khối lượng tăng và hợp đồng tương lai đang hiệu lực tăng.
Theo Vfpress

No comments:

Post a Comment